TỌA ĐÀM “VỊ TRÍ CỦA TÀI SẢN ẢO TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

Trong những năm gần đây, tài sản ảo luôn là vấn đề được nhắc đến gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, viễn thông, mạng xã hội và thế giới ảo. Việc xem xét tính chất pháp lý của các loại tài sản ảo hình thành và chuyển dịch trên các hệ thống phần mềm, chương trình máy tính là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, được sự cho phép của Ban Giám Hiệu nhà Trường, Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tổ chức buổi Tọa đạm “Vị trí của tài sản ảo trong pháp luật Việt Nam” vào sáng ngày 13/12/2018, tại Văn phòng A.403 (Khoa Luật). Đến tham dự buổi Tọa đàm, có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó Hiệu Trưởng nhà Trường, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó Trưởng Khoa Luật và các Thầy, Cô từ Khoa Luật Kinh tế và Khoa Luật.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nêu bật tầm quan trọng của việc xác định vị trí của các tài sản ảo trên không gian mạng, đặc biệt đối với vấn đề tiền ảo hiện nay. Việc Khoa Luật tổ chức buổi Tọa đàm là thiết thực với chuyển biến xã hội hiện tại và tạo được môi trường trao đổi học thuật giữa Quý Thầy, Cô với nhau.

Tiếp theo đó, lần lượt Quý Thầy, Cô trình bày các tham luận như: Bản chất pháp lý của tiền ảo và sự cần thiết phải có quy chế pháp lý riêng cho tiền ảo – TS. Đoàn Thị Phương Diệp; Vị trí pháp lý của tiền mã hóa trong hệ thống pháp luật thế giới – Định hướng xây dựng khung pháp lý tại Việt Nam – TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh; Quản lý tiền ảo theo pháp luật Nhật Bản và một số kiến nghị cho Việt Nam – ThS. Liên Đăng Phước Hải; Bàn về tiền mã hóa và việc xây dựng khái niệm tiền mã hóa – ThS.Bạch Thị Nhã Nam; Vấn đề công nhận tiền điện tử theo pháp luật ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Thị Ngọc Yến.

Các tham luận trình bày tổng quan quá trình hình thành của tiền ảo, cụ thể là đồng Bitcoin. Bên cạnh đó, việc phân biệt như thế nào là tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa (cryptocurrency) cũng được trình bày một cách rất rõ ràng. Vấn đề được nhiều sự quan tâm và tranh luận chính là việc có thừa nhận tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán đã được trình bày rất chi tiết và cụ thể. Một số quan điểm theo hướng thừa nhận vì kinh nghiệm từ một số nước như Nhật Bản đã thừa nhận; một số quan điểm trái ngược là không thừa nhận tiền mã hóa như một công cụ dùng để thanh toán vì như vậy chẳng khác nào xem tiền mã hóa (như Bitcoin) là đồng tiền ngang hàng với tiền do Nhà nước phát hành mà chỉ nên để tự thân thị trường điều tiết, Nhà nước không nên công nhận hay không công nhận.

Sau gần hai tiếng trình bày và thảo luận sôi nổi, nhiều vấn đề liên quan đến vị trí pháp lý của tài sản ảo trên không gian mạng đã được sáng tỏ. Kết thúc buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện gửi lời cảm ơn Quý Thầy, Cô đã tham dự và hy vọng nhiều ý tưởng sẽ được đào sâu nghiên cứu hơn nữa. Thầy hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi Tọa đàm thiết thực được tổ chức để tạo môi trường trao đổi học thuật giữa Quý Thầy, Cô nhiều hơn.