Khóa đào tạo về tín dụng có bảo đảm: Kinh nghiệm của Việt Nam và thông lệ Quốc tế

 

Trong 3 ngày (23, 24 và 25 tháng 06 năm 2014), tại Khách sạn Grand, số 08 Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật do Khoa Luật làm đầu mối đã phối hợp cùng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC) tổ chức khóa đào tạo 3 ngày về Tín dụng có tài sản bảo đảm – Kinh nghiệm của Việt Nam và Thông lệ quốc tế cho trên 200 học viên là các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Trường Đại học Kinh tế-Luật và một số trường đại học khác tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên viên các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố.  

 

Khóa đào tạo diễn ra dưới sự giảng dạy và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Giáo sư Xuan-Thao Nguyen, Giáo sư Luật mang học hàm danh dự Gerald L. Bepko, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và sáng kiến, Trường Luật Robert H. McKinney, Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Giáo sư Xuan-Thao Nguyen là người Mỹ có nhiều năm giảng dạy tại các trường đại học tại Mỹ, Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan, Trung Quốc, và các nước khác ở Châu Á. Bên cạnh đó, Giáo sư còn có nhiều năm kinh nghiệm làm cho các hàng luật lớn của New York và tham gia tư vấn trong các vụ tranh chấp liên quan đến giao dịch bảo đảm tại Mỹ.

 

Tham dự buổi khai mạc Khóa đào tạo vào sáng ngày 23/06 có đại diện của các đơn vị phối hợp tổ chức gồm: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, PGS.TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật; TS. Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Dự án của Công ty tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng thế giới. Phát biểu tại buổi khai mạc, đại diện các đơn vị đồng tổ chức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu các thông lệ quốc tế về tín dụng có bảo đảm, thực tiễn tín dụng có bảo đảm của Hoa Kỳ để có thể tiếp thu và áp dụng trong việc xây dựng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tín dụng có bảo đảm, đặc biệt trong tình hình nợ xấu của hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay. 

 

Bằng việc phân tích và xử lý các tình huống thực tế sinh động, qua 3 ngày làm việc, Xuan-Thao Nguyen đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho các học viên về những vấn đề quan trọng của pháp luật giao dịch bảo đảm như: xác lập hiệu lực đối kháng giữa hai bên, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba; thứ tự ưu tiến thanh toán trong các giao dịch bảo đảm; tính có hiệu lực của các lợi ích bảo đảm; phân tích các vụ việc có thật của Việt Nam để rút ra các bài học kinh nghiệm; phân tích các điều khoản trong hợp đồng tín dụng có bảo đảm.

 

Qua việc phân tích chi tiết các nội dung nêu trên, Xuan-Thao Nguyen đã giúp các học viên hiểu được các vấn đề nổi cộm mà Việt Nam đang mắc phải trong khi thực hiện các giao dịch bảo đảm, và thông lệ tốt nhất của quốc tế trong giao dịch bảo đảm bao gồm các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn soạn thảo hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng giúp các học viên xây dựng các chuẩn mực về các điều khoản trong hợp đồng tín dụng để giảm thiểu rủi ro tín dụng và tránh được các khoản nợ xấu thông qua việc phân tích các vụ việc có tranh chấp về tài sản bảo đảm có thực tại Việt Nam và các điều khoản của hợp đồng tín dụng mẫu. 

 

Kết thúc Khóa đào tạo, các học viên đã được nhận chứng chỉ do Trường Đại học Kinh tế-Luật, Hiệp Hội ngân hàng Việt Nam và Công ty tài chính quốc tế IFC cấp.
Tại Buổi bế mạc, các học viên đã vinh dự được đón tiếp PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật đến phát biểu bế mạc và trao chứng chỉ hoàn tất Khóa đào tạo.

Sau đây là một số hình ảnh của khóa đào tạo: