Trong bối cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 sắp có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2017, có nhiều quy định mang tính đột phá về giao dịch bảo đảm làm nền tảng thúc đẩy giao lưu dân sự nói chung và giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, các quy định về giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay về cơ bản được xây dựng trên cơ sở các quy định về giao dịch bảo đảm của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhằm đánh giá thực trạng các quy định về giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay để tìm ra những bất cập, chưa hoàn thiện và không phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015, Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật vinh dự tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng”, vào lúc 8h30 ngày 20/12/2016 tại phòng 501 tòa nhà điều hành và học tập Trường Đại học Kinh tế - Luật.
Hình 1: Tọa đàm "Pháp luật về giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng"
Đến tham dự buổi Tọa đàm, đại diện Ban giám hiệu nhà trường có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó Hiệu trưởng nhà trường; đại diện Ban lãnh đạo Khoa Luật có sự góp mặt của PGS.TS Lê Vũ Nam – Trưởng Khoa luật; cùng với sự tham dự của các giảng viên Khoa Luật, Khoa Luật Kinh tế, Khoa Tài chính – Ngân hàng, các học viên cao học khoa Luật và các em sinh viên lớp Cử nhân tài năng chuyên ngành Luật Tài chính – Ngân hàng.
Hình 2: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng nhà trường
Hình 3: PGS.TS Lê Vũ Nam - Trưởng Khoa Luật
Tọa đàm lần này đã thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành về lý luận và thực tiễn gửi bài về với tổng cộng 14 bài viết với chất lượng chuyên môn cao. Với sự điều phối của Chủ tọa: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện và PGS.TS Lê Vũ Nam, các tham luận lần lượt được trình bày trước Tọa đàm và trao đổi các vấn đề xoay quanh một cách sôi nổi và đúng tinh thần tranh luận.
Hình 4: Chủ tọa: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện và PGS.TS Lê Vũ Nam
Mở đầu phần tham luận là phần trình bày của TS. Đoàn Thị Phương Diệp – Trưởng bộ môn Luật dân sự Khoa Luật, với đề tài “Các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ mới được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015”. Tham luận của TS. Diệp đã khái quát các đặc điểm cơ bản của hai biện pháp bảo đảm mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; từ đó nêu bật được một số chú ý khi áp dụng hai biện pháp bảo đảm mới trên trong mối quan hệ với ngân hàng.
Tham luận thứ hai được trình bày là của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện với đề tài “Quyền tự bảo vệ - Điểm mới trong Bộ luật Dân sự 2015 và khả năng áp dụng trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đã chỉ ra những vấn đề bất cập khi “Quyền tự bảo vệ” chưa được công nhận chính thức, từ đó lý giải về việc “Quyền tự bảo vệ” được cụ thể hóa thành “Quyền giữ tài sản” như thế nào. Là người chính thức nằm trong Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đã làm sáng tỏ nhiều vướng mắc về việc không biết tại sao luật lại quy định như vậy.
Hình 5: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện trình bày tham luận
Hai tham luận tiếp theo của ThS.Trương Trọng Hiểu với đề tài “Giao dịch bảo đảm từ góc nhìn của Luật Đất đai 2013” và học viên Cao học Khoa Luật – Huỳnh Nữ Khuê Các với đề tài “Luận bàn một số điểm mới trong Bộ luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, đã cho thấy nhiều góc nhìn mới liên quan đến giao dịch bảo đảm; đặc biệt là phần chia sẻ về thực tiễn áp dụng của cô Các – một người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm, tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa đàm khép lại với không khí hồ hởi và cởi mở. Các diễn giả cùng toàn thể người tham dự cảm thấy thích thú vì có một môi trường trao đổi học thuật với nhau, đặc biệt là các quy định mới mà luật ban hành như quy định về hoạt động giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng lần này.
Hãy cùng nhìn lại một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Hình 6: Toàn cảnh buổi tọa đàm
Hình 7: Đại diện BGH nhà trường và Đại diện Ban lãnh đạo Khoa Luật trao hoa cho các diễn giả