Trong bối cảnh Luật An ninh
mạng Việt Nam được ban hành vào ngày 12/6/2018 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019,
đây được xem là một sự kiện lập pháp quan trọng, chi phối đến nhiều mặt trong đời
sống xã hội. Nhằm tìm hiểu, cung cấp những thông tin về Luật An ninh mạng Việt
Nam, ngày 4/12/2018, Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP.
HCM đã tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề: “Luật An Ninh Mạng và Vấn Đề Bảo Đảm Các
Quyền Dân sự” tại phòng A. 403, trường Đại học Kinh tế - Luật.
Tham gia buổi Tọa đàm có sự
góp mặt của PGS. TS. Lê Vũ Nam - Trưởng Khoa Luật, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện –
đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và các giảng viên Khoa Luật, Khoa Luật Kinh tế
trường Đại học Kinh tế - Luật.
Buổi Tọa đàm xoay quanh
các vấn đề liên quan đến nội dung của Luật An ninh mạng Việt Nam và sự cần thiết
ban hành trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên thông tin hiện nay.
Ngoài ra, các vấn đề về đảm bảo các quyền dân sự hiến định của cá nhân trong Luật
An ninh mạng cũng được đem ra thảo luận dưới nhiều góc độ tiếp cận nhau.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu khai mạc buổi Tọa
đàm, Trưởng Khoa Luật, PGS. TS. Lê Vũ Nam - Chủ tọa đã nói: Luật An ninh mạng
được xem là một đạo luật quan trọng, chi phối nhiều khía cạnh của đời sống xã hội.
Vì vậy, khi vừa được ban hành thì đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng,
cũng như nhiều ý kiến đóng góp từ người dân và các chuyên gia liên quan đến việc
đảm bảo các quyền dân sự hiến định của cá nhân trong việc thực thi Luật An ninh
mạng trong thời gian sắp tới.
Tại buổi Tọa đàm, các
giảng viên lần lượt trình bày các tham luận, cũng như đóng góp ý kiến, thảo luận
về Luật An ninh mạng dưới nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó xoay quanh một số
vấn đề chủ yếu như đảm bảo những quyền dân sự hiến định của cá nhân được quy định
trong Luật An ninh mạng và trong quá trình thực thi Luật An ninh mạng, phân tích, so sánh về mặt hình thức cũng như nội hàm của
Luật An ninh mạng Việt Nam và Luật An ninh mạng của một số quốc gia khác trên
thế giới, tiếp cận các vấn đề trong Luật An ninh mạng dưới góc độ kỹ thuật như
việc bảo mật thông tin khách hàng, lưu trữ mật khẩu người dùng. Mặc dù Luật An
ninh mạng được thảo luận, tiếp cận dưới nhiều góc độ, tuy nhiên, các ý kiến
nhìn chung đều thể hiện sự ủng hộ, cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của Luật
An ninh mạng trong việc làm sạch môi trường thông tin mạng, bảo vệ an ninh quốc
gia và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện
nay. Trong suốt quá trình diễn ra Tọa đàm, nhiều kiến nghị, giải pháp được đề
xuất nhằm đảm bảo các quyền dân sự hiến định của con người trong việc thực thi
Luật An ninh mạng trong thời gian sắp tới.
Tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện cũng có những
chia sẻ liên quan đến cách thức nhìn nhận, đánh giá Luật An ninh mạng theo hướng
trung hòa lợi ích, theo đó, cần phân tích, xem xét đến nhiều khía cạnh, đặc biệt
là lợi ích của nhiều chủ thể trong xã hội, bao gồm cả chủ thể công và tư khi ban
hành luật an ninh mạng,
để từ đó đưa ra các nhận định,
đánh giá Luật An ninh mạng hiệu quả và khách quan.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Chủ
tọa - PGS. TS. Lê Vũ Nam tổng kết và gửi lời cảm ơn đến sự tham gia và đóng góp
tích cực của các giảng viên, góp phần tạo nên sự thành công của buổi tọa đàm, đồng
thời cũng bày tỏ hy vọng cho sự tiếp tục tham gia và đóng góp cho buổi tọa đàm
về “Vị trí của tài sản ảo trong pháp luật Việt Nam” sắp tới của Khoa Luật.
Danh
sách các tham luận tại Tọa đàm gồm:
1.
Mấy
Ý Kiến Về Vấn Đề Đảm Bảo Các Quyền Dân Sự Trong Luật An Ninh Mạng Năm 2018
– PGS.TS. Lê Vũ Nam;
2.
Bình
Luận Về Kỹ Thuật Lập Pháp Trong Luật An Ninh Mạng – PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng
Nhung;
3.
Bàn
Về Nội Hàm Thuật Ngữ: “An Ninh Mạng – Cybersecurity” – Góc Nhìn Của Việt Nam Và
Một Số Nước – ThS. Lưu Minh Sang;
4.
Không
Gian Mở - Thiết Chế Đóng: Luật An Ninh Mạng Và Sự Đảm Bảo Những Quyền Dân Sự
Trên Mạng – ThS. Lê Nguyễn Nhật Minh;
5.
Cơ
Chế Bảo Đảm Quyền Được Bảo Vệ Danh Dự, Nhân Phẩm, Uy Tín Trong Mối Tương Quan
Giữa Quy Định Của Luật An Ninh Mạng Với Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật Khác –
ThS. Huỳnh Thị Nam Hải;
6.
Quyền
Bảo Mật Thông Tin Cá Nhân Dưới Góc Nhìn Của Luật An Ninh Mạng Việt Nam Và Trung
Quốc - ThS. Ngô Minh Phương Thảo;
7.
Vấn
Đề Lưu Trữ Mật Khẩu Người Dùng Bởi Các Doanh Nghiệp Cung Cấp Dịch Vụ Mạng -
ThS. Lê Thị Ngọc Yến;
8.
Bàn
Về Tính Khả Thi Của Quy Định Lưu Trữ Dữ Liệu Tại Việt Nam Đối Với Doanh Nghiệp
Cung Cấp Dịch Vụ Mạng Viễn Thông – ThS. Bạch Thị Nhã Nam;
9.
Thực
Thi Luật An Ninh Mạng Và Những Thách Thức Đối Với Việc Bảo Đảm Các Quyền Dân Sự
Hiến Định – ThS. Lưu Đức Quang.