Với mục tiêu mong muốn lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng đối với chương trinh đào tạo và chất lượng sinh viên mà Khoa Luật đào tạo; xin ý kiến về mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cơ cấu chương trình đào tạo; các ý kiến về sự điều chỉnh cơ cấu môn học, số lượng môn học, số tín chỉ, bổ sung môn học mới; BCN Khoa Luật quyết định tổ chức buổi họp mặt với các nhà tuyển dụng để xin ý kiến về chương trình đào tạo Luật Dân sự vào lúc 18h00 ngày 19/6/2017, tại Phòng họp – Nhà hàng Dim Tu Tac cảng Sài Gòn.
Buổi họp mặt có sự tham dự của các khách mời là các nhà tuyển dụng sử dụng nguồn nhân lực là các em sinh viên Khoa Luật, như Bà Trương Thị Hòa – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa; Ông Võ Văn Thêm - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM; Bà Lê Thị Thương – Luật sư công ty tư vấn I-Glocal; Ông Nguyễn Trung Nghĩa – Giám đốc bộ phận pháp chế ngân hàng TMCP Á Châu; Ông Nguyễn Thanh Thanh – Giám đốc công ty luật Thanh & Partners; Bà Nguyễn Thị Láng – Giám đốc công ty luật Frasers; Ông Nguyễn Văn Tráng – Trưởng văn phòng công chứng hội nhập; Bà Phạm Thị Thoa – Giám đốc công ty luật Apolat Legal; Ông Nguyễn Công Phú – Phó Chánh tòa Kinh tế, TAND TP. HCM. Về phía Khoa Luật, có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam – Trưởng Khoa Luật; TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung; TS. Đoàn Thị Phương Diệp; ThS. Nguyễn Minh Hiền; ThS. Lưu Minh Sang.
Hình 1: Các vị khách mời và đại diện phía Khoa Luật tham gia buổi họp mặt
Mở đầu buổi họp mặt, PGS.TS Lê Vũ Nam giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển khoa Luật, các ngành khoa Luật đang đào tạo gồm có ngành luật Dân sụ và Luật Tài chính – ngân hàng; giới thiệu khái quát chất lượng sinh viên và chất lượng giảng viên của khoa; giới thiệu triết lý đào tạo của khoa Luật: “học đi đôi với hành, lấy SV làm trung tâm với phương thức dạy và học tập tích cực”.
Hình 2: PGS.TS Lê Vũ Nam giới thiệu khái quát Chương trình đào tạo ngành Luật Dân sự của Khoa
Với các yêu cầu đặt ra từ nhà tuyển dụng đối với nhân sự mới là các em sinh viên ra trường, các vị khách mời đã thẳng thắn chia sẻ, cũng như góp ý một cách cởi mở đối với chương trình đào tạo ngành Luật Dân sự của Khoa. Một số ý kiến rất chuyên sâu và thiết thực như: LS Hòa đề cập trong mục tiêu đào tạo có đề cập đến nội dung sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực hành nghề luật, vậy những kỹ năng này là kỹ năng gì, vì ở Học viện tư pháp cũng có đào tạo kỹ năng hành nghề luật ở những nghề cụ thể như Luật sư, Công chứng viên…; các môn đào tạo kỹ năng mềm nên quy định là những môn học tự chọn; về đạo đức nghề nghiệp thì tùy vào từng chức danh, nghề nghiệp khác nhau mà sẽ có những nội dung về đạo đức nghề nghiệp tưng ứng, do đó cần phải viết rõ ràng hơn; Việc trang bị cho sinh viên khả năng phát hiện và khả năng giải quyết vấn đề được thực hiện như thế nào; Ông Thiêm nêu ý kiến là Khoa nên tổ chức cho sinh viên đi thực tập nhiều hơn, kết hợp trong quá trình học chứ đừng để năm cuối. Bên cạnh đó, có những ý kiến đối chiếu so sánh với sinh viên Trường Đại học Luật nhằm nâng cao chất lượng sinh viên như ý kiến của Ông Thanh, nếu so sánh với sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật có kỹ năng mềm, kỹ năng phản biện tốt hơn, tuy nhiên về kiến thức chung, vận dụng cơ sở pháp lý thì ngược lại. Bà Thoa với tư cách là cựu sinh viên của Khoa, cũng là đại diện phía công ty Luật kiến nghị khoa nên tổ chức những buổi kiến tập thực tế khi sinh viên học những môn chuyên ngành, vì việc này sẽ hỗ trợ rất tốt cho công việc của sinh viên sau này và có định hướng nghề nghiệp tốt hơn.
Hình 3: Các vị khách mời cởi mở nêu ý kiến để hoàn thiện tốt nhất Chương trình đào tạo ngành Luật Dân sự của Khoa
Thông qua buổi họp mặt, BCN Khoa Luật đã có thêm nhiều ý kiến tham khảo để hoàn thiện tốt nhất Chương trình đào tạo Luật Dân sự sắp tới và Khoa Luật cũng tin tưởng rằng sẽ là đơn vị đào tạo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cao của các nhà tuyển dụng trong tương lai.