UEL và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về tín thác

UEL và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về tín thác

Nhằm tạo điều kiện để các học giả tại Việt Nam và Pháp có cơ hội trao đổi, giao lưu học thuật cũng như đưa ra các kiến nghị áp dụng đối với tín thác tại Việt Nam, ngày 29/10/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) phối hợp với Đại sứ quán Pháp và Trường Đại học Paris 2 tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tín thác - Trust/ Fiducie - Khả năng ứng dụng tại Việt Nam”.


Tín thác (Fiducie trong luật của Pháp và Trust trong hệ thống  pháp  luật các nước Anglo Saxon) đã tồn  tại  từ  thời  kỳ  La  Mã  cổ  đại  và tiếp tục được khai thác hiệu quả trong đời sống hiện nay. Với các  quốc  gia  theo  hệ  thống Thông  luật như Anh, Mỹ,  Úc... tín thác không  những được dùng như một công cụ hữu  hiệu để xử lý các vấn đề liên quan đến thừa  kế, quản lý quỹ hưu trí, đầu tư tài chính, tài sản hôn nhân mà còn là một công cụ hữu hiệu để quản lý tài sản được trao gửi cho các hoạt động thiện nguyện.


Tại Việt Nam, dù là một nước theo hệ thống Dân luật (Civil Law) và chịu nhiều sự ảnh hưởng pháp lý từ Pháp, tuy nhiên chế định tín thác (trust/fiducie) vẫn chưa thật sự phát huy được vai trò trong thực tiễn. 

 

Phó Hiệu trưởng Lê Vũ Nam mong muốn Hội thảo đưa ra được nhiều góc nhìn về vấn đề Tín thác

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL cho biết hiện các vấn đề về tín thác chưa được nhắc nhiều trong Bộ luật dân sự 2015 và chỉ được đề cập trong pháp luật chuyên ngành như Luật chứng khoán, luật các tổ chức tín dụng... Điều này gây khó khăn trong việc điều chỉnh pháp luật, giải quyết các tranh chấp khi phát sinh và trong nhiều trường hợp thiếu minh bạch, tạo sự hoài nghi về tính trung thực trong hoạt động từ thiện. 

 

“Với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia, tôi tin rằng Hội thảo sẽ nhận được nhiều trao đổi, thảo luận tích cực, đề xuất được nhiều ý tưởng, kiến nghị thú vị, tạo thêm cơ sở để các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý tại Việt Nam xây dựng hoàn thiện các chế định tín thác” - Phó Hiệu trưởng Lê Vũ Nam bày tỏ.

 

Bà Priscille de Cambourg - Đại diện Đại sứ quán Pháp nhấn mạnh mối quan hệ Việt - Pháp nói chung, mối quan hệ giữa Trường ĐH Paris 2 với UEL nói riêng


Tiếp nối quan điểm, Bà Priscille de Cambourg - Cán bộ phụ trách Hợp tác pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ: Pháp và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác sâu rộng về pháp lý trong hàng chục năm qua, riêng Trường ĐH Kinh tế - Luật là đối tác quan trọng của Pháp trong việc triển khai các chương trình đào tạo về pháp lý. Hội thảo này là một phần trong quá trình hợp tác, tiếp tục thúc đẩy và khẳng định quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chúng ta.


Hội thảo “Tín thác - Trust/ Fiducie - Khả năng ứng dụng tại Việt Nam” diễn ra cả ngày với 9 bài tham luận của các diễn giả, nhà nghiên cứu và luật sư đến từ Trường ĐH Paris 2, Pháp; Đại học Đông Hải (Tunghai University), Đài Loan; Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM…

 

GS Michel Grimaldi – Trường ĐH Paris 2 chia sẻ tham luận về sự xuất hiện của tín thác trong pháp luật Pháp


Ngoài các chia sẻ, tham luận về tín thác trong hệ thống luật pháp của Pháp nói riêng, quốc tế nói chung do các diễn giả Pháp trình bày, Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cấp cao Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, UEL đã phân tích và nêu rõ về khả năng vận dụng chế định tín thác vào Việt Nam. 


Theo đó, trong khung cảnh luật thực định, việc vận dụng tín thác vào Việt Nam gặp nhiều trở ngại do không tương thích giữa các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật tài sản Việt Nam và các nguyên tắc cơ bản chi phối sự vận hành. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, có thể cân nhắc khả năng áp dụng tín thác do hệ quả (resulting trust)  để xử lý một số trường hợp đặc thù được ghi nhận trong thực tiễn mà có những nét tương đồng như những trường hợp đã được áp dụng trong luật Anh - Mỹ, chẳng hạn đứng tên hộ để mua và quản lý bất động sản và quản lý, định đoạt tài sản chung của vợ và chồng.


“Việc đưa các chế định tín thác, đặc biệt là tín thác do hệ quả vào hệ thống pháp lý của Việt Nam là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi quá trình dài nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp” - Viện sĩ Ngọc Điện nhìn nhận.

 

Viện sĩ Nguyễn Ngọc Điện chia sẻ về khả năng áp dụng Tín thác tại Việt Nam


Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông