Bản tin Khoa Luật Quý 2 - 2016

CHUYÊN MỤC: HOẠT ĐỘNG KHOA LUẬT

1. Khoa Luật tổ chức Chương trình Legal Talk lần 7 với chủ đề: “TPP – Tác động của ISDS đối với các bên ký kết. Tranh chấp Biển Đông giữa Philippine và Trung Quốc”

Vào ngày 25 tháng 04 năm 2016, tại phòng 501 Trường Đại học Kinh tế - Luật đã diễn ra chương trình Legal Talk lần 7 với chủ đề “TPP – Tác động của ISDS đối với các bên ký kết. Tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc” do Đội CLE – UEL thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban chủ nhiệm Khoa Luật. Chương trình Legal Talk lần 7 hân hạnh được đón tiếp một diễn giả quốc tế nổi tiếng - Giáo sư Luật Dai Tamada, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kobe, Nhật Bản.

Chương trình diễn ra trong 2 buổi với hai chuyên đề pháp lý mang tính thời sự và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam cũng như quốc tế. Chủ đề đầu tiên được GS. Dai Tamaha trình bày liên quan đến Hiệp định TPP mà Việt Nam vừa ký kết. Với kiến thức sâu rộng và khả năng truyền đạt vô cùng thuyết phục, GS đã mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức bổ ích về Hiệp định TPP, đặc biệt là những tác động của ISDS đến với các bên ký kết, trong đó có Việt Nam.

Chủ đề thứ hai liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Nội dung của phần trình bày được Giáo sư truyền tải rất khoa học, nhẹ nhàng và thu hút. Qua đó, nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc dưới góc độ pháp lý được nêu lên. Đông đảo các bạn sinh viên đã đến tham dự, chăm chú lắng nghe và có nhiều trao đổi trực tiếp với diễn giả trên tinh thần cầu thị học hỏi.

Chương trình Legal Talk lần 7 đã diễn ra rất thành công với sự phản hồi tích cực từ cả phía diễn giả lẫn sinh viên tham dự chương trình. Kết quả của chương trình minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả và thâm tình giữa Khoa Luật và Trường Đại học Kobe, Nhật Bản trong thời gian qua.

 

2. Sinh viên Khoa luật giao lưu với sinh viên Touro Law Center, Newyork, Hoa Kỳ.

Vào ngày 20/06/2016, Khoa Luật hân hạnh được tham gia đón tiếp và đã có Buổi giao lưu với các giáo sư và sinh viên đến từ Trường Touro Law Center, Newyork, Hoa Kỳ.

Buổi giao lưu diễn ra với không khí gần gũi, cởi mở nhưng không kém phần trang trọng. Tại Buổi giao lưu, sinh viên Khoa Luật đã trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động chào đón và trao đổi văn hóa, học thuật với sinh viên Touro Law Center. Những trò chơi gắn với văn hóa hai quốc gia được sinh viên nước bạn hưởng ứng nhiệt tình làm cho không khí Buổi giao lưu vô cùng sôi nổi.

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động trao đổi học thuật giữa sinh viên luật 2 trường thông qua việc giải quyết một tình huống pháp lý dưới những góc nhìn khác nhau. Đoàn giao lưu và các sinh viên khoa Luật đã có những thảo luận “nảy lửa” và đầy hấp dẫn về cách giải quyết tình huống pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại theo hệ thống Luật Hoa Kỳ và Luật Việt Nam.

Những món quà lưu niệm được trao cho nhau cùng những cái bắt tay nồng ấm của sinh viên 2 trường là hình ảnh rất đẹp để khép lại một Buổi giao lưu cởi mở và ngọt ngào.

 

3. Khoa Luật đạt thành tích cao trong cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật lao động” do Công Đoàn trường tổ chức

Nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến với đông đảo công đoàn viên tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Công đoàn trường đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật lao động năm 2016”. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều công đoàn viên từ các Công đoàn cơ sở. Nhằm hưởng ứng cuộc thi, Ban chấp hành Công đoàn Khoa Luật đã vận động gần 10 công đoàn viên trong khoa tham dự cuộc thi. Sau quá trình thẩm định khách quan của Hội đồng giám khảo, Công đoàn Khoa Luật rất vinh dự khi nhận được 4/7 giải thưởng của cuộc thi, bao gồm: 1 giải tập thể dành cho Công đoàn cơ sở có số lượng công đoàn viên tham dự nhiều nhất; 1 giải nhất thuộc về ThS. Lưu Minh Sang; 2 giải khuyến khích thuộc về: ThS. Trần Thị Lệ Thu và Th.S Trần Thị Khánh Ngọc.

 

4. Khoa Luật bảo vệ thành công Đề án đào tạo chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Luật Dân sự

Với mục đích đa dạng hóa các loại hình đào tạo, Khoa Luật đã nhận nhiệm vụ xây dựng Đề án đào tạo chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Luật Dân sự.

Với những kinh nghiệm quý báu từ việc xây dựng Đề án cử nhân tài năng ngành Luật Tài chính – Ngân hàng cũng như việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên từ hoạt động kiểm định ngoài nội bộ ngành Luật Dân sự vừa qua, Khoa Luật đã đầu tư nhiều tâm sức để xây dựng tốt nhất Đề án.

Có thể nói, Đề án đào tạo chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Luật Dân sự được thiết kế tương đối hoàn thiện với tư duy giáo dục mới, cập nhật và gần gũi với thông lệ đào tạo của các nước phát triển. Chính vì vậy, vào ngày 02/6/2016, Khoa Luật đã bảo vệ thành công Đề án trước Hội đồng thẩm định của Đại học Quốc gia TP.HCM. Đề án được đánh giá cao với số điểm 82/100 – một trong hai Đề án có số điểm cao nhất. Theo đó, Khoa Luật sẽ chính thức triển khai đào tạo chất lượng cao ngành Luật Dân sự vào năm học 2016-2017 sắp tới.

 

5. Khoa Luật tổ chức hoạt động đánh giá khóa luận tốt nghiệp của sinh viên ngành Luật Dân sự, Luật Tài chính – Ngân hàng Khóa 12

Vào 2 ngày (31/5 và 01/6/2016), Khoa Luật đã tổ chức Hội động đánh giá khóa luận tốt nghiệp đối với sinh viên ngành Luật Dân sự và Luật Tài chính – Ngân hàng. Năm nay, với sự tham gia của tất cả sinh viên theo học chương trình cử nhân tài năng ngành Luật Tài chính – ngân hàng, số lượng khóa luận tốt nghiệp tăng đột biến với 43 đề tài.

Nhìn chung, chất lượng các khóa luận tốt nghiệp được Thầy, Cô trong các Hội đồng đánh giá tốt, có rất nhiều đề tài xuất sắc. Nhiều sinh viên đã mạnh dạn chọn nghiên cứu những đề tài mới và mang tính thời sự, ứng dụng cao. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên có sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp bằng Tiếng Anh và được hội đồng đánh giá rất cao.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và khách quan, Hội đồng đã hoàn thành việc đánh giá 43 khóa luận tốt nghiệp với nhiều góp ý quý giá để sinh viên tiếp tục hoàn thiện đề tài cũng như tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu ở những bậc học cao hơn.

 

6. Khoa Luật tổ chức Tọa đàm “Những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015”

Vào ngày 15/6/2016, Khoa Luật đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Những điểm mới của Bộ Luật Dân sự năm 2015”. Tọa đàm hân hạnh được đón tiếp sự góp mặt của PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện – thành viên ban soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015 và PGS.TS Lê Vũ Nam – Trưởng khoa Luật cùng với rất nhiều giảng viên khoa Luật.

Tọa đàm được diễn ra trong bối cảnh Bộ luật dân sự 2015 vừa được ban hành với hàng loạt những cải sửa mang tính đột phá. Hơn 10 tham luận được trình bày và thảo luận tại Tọa đàm tập trung chủ yếu vào những nội dung lớn như: những quy định chung, tài sản, quyền sở hữu, chiếm hữu, quyền khác đối với tài sản, hợp đồng và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Có thể nói, Tọa đàm lần này là một hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong điểm của giảng viên khoa luật với nhiều trao đổi mang tính chuyên sâu.

 

7. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Luật diễn ra sôi nổi

Khoa Luật luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc tổ chức hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, số lượng sinh viên và số lượng đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký ngày càng nhiều. Năm 2016, toàn Khoa Luật có đến 143 sinh viên đăng ký thực hiện 34 đề tài khoa học.

Vào ngày 28/4/2016, Khoa Luật đã tiến hành nghiệm thu cấp khoa các đề tài nghiên cứu khoa học đã đăng ký và hoàn thành. Có 18 đề tài được nghiệm thu và được hội đồng đánh giá khá cao. Hội đồng nghiệm thu đã quyết định gửi 16 đề tài tham dự “Giải thưởng nhà khoa học trẻ Trường Đại học Kinh tế - Luật năm 2016”. Sau vòng thẩm định sơ bộ cấp trường, Khoa Luật có 12 đề tài được chọn để nghiệm thu cấp trường. Vào ngày 21/6/2016, tất cả 12 đề tài nghiên cứu khoa học do sinh viên khoa Luật thực hiện đã được nghiệm thu. Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, tất cả 12 đề tài đều đạt yêu cầu và có nhiều đề tài đạt giải cao.

 

CHUYÊN MỤC HOẠT ĐỘNG ĐOÀN – HỘI

1. Đoàn Khoa Luật tổ chức “Ngày hội biển đảo quê hương”

Vào tháng 4/2016, Đoàn Khoa Luật đã đăng cai tổ chức chương trình “Ngày hội biển đảo quê hương”. Với mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ quyền biển, đảo cũng như khơi gợi tình yêu biển, đảo trong đông đảo sinh viên, Khoa Luật đã thiết kế nhiều chương trình mới, lạ và gần gũi để mang biển, đảo về với đời sống của sinh viên toàn trường.

Chương trình đã diển ra tại khu tự học Trường Đại học Kinh tế - Luật với nhiều hoạt động mang tính giáo dục kiến thức cho sinh viên. Chương trình đã tổ chức được 8 gian hàng bao gồm: Gian hàng trò chơi có thưởng, gian hàng trưng bày hình ảnh, đồ vật về chủ quyền biển đảo cũng như phong cảnh biển đảo quê hương, gian hàn đố vui có thưởng,…

Ngày hội thu hút được rất đông sinh viên đến từ nhiều khóa và nhiều ngành khác nhau. Theo phản hồi của nhiều sinh viên tham dự thì đây được xem là một chương trình thật sự bổ ích đối với sinh viên. Tham gia chương trình, sinh viên có thêm hiểu biết về quê hương đất nước. Thông quá đó, người trẻ sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thiên liêng.

Liên chi hội Khoa Luật tổ chức chương trình “Việt Nam quê hương tôi 2016 – Tổ quốc vươn mình”

Trải qua gần hai tháng phát động và so tài, cuộc thi Việt Nam quê hương tôi 2016, chủ đề “Tổ quốc vươn mình” do Liên Chi hội Khoa Luật đăng cai cấp Trường, đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc đọng lại trong lòng BTC lẫn thí sinh dự thi. Chương trình là cơ hội để sinh viên các trường giao lưu học hỏi, tìm hiểu thêm về văn hoá và lịch sử Việt Nam, thêm tự hào về quê hương đất nước, nhất là trong thời buổi hội nhập để phát triển như hôm nay. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 100 sinh viên đăng kí dự thi, đến từ nhiều trường Đại học trên địa bàn thành phố, như ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Nông lâm, ĐH Ngân hàng, ĐH Sư phạm kỹ thuật…

Đến với chương trình, các thí sinh sẽ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc qua tài năng ca hát, nhảy, múa của chính các bạn. Từ những điệu hò dân ca ngọt ngào đến tiết mục múa Tây Nguyên bát ngát núi rừng, các thí sinh đã thực sự để lại nhiều cảm xúc rất đẹp trong lòng Ban giám khảo cũng như khán giả. Vòng chung kết đã diễn ra thân mật tại khu tự học trường Đại học Kinh tế - Luật vào ngày 04/06/2016, với hai nội dung song song là phần dự thi của các thí sinh và các gian hàng trò chơi tìm hiểu về văn hoá các dân tộc và lịch sử Việt Nam.

 

2. Đội CLE tổ chức chuỗi chương trình "Mang pháp luật đến với Trường THPT Bình Sơn, Đồng Nai"

Với tôn chỉ “Mang ánh sáng pháp lí đến với cộng đồng”, Đội CLE - UEL không chỉ hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mà còn thường xuyên mở rộng ra các địa phương khác. Điển hình là vào ngày 04/4/2016 vừa qua, các chiến sĩ CLE - UEL đã đến Trường THPT Bình Sơn, thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tại nơi đây, Đội hình đã ghi dấu ấn tốt đẹp bởi hai hoạt động nổi bật: Giảng dạy pháp luật với chủ đề “Bạo lực học đường kết hợp với an toàn giao thông” và Phiên tòa giả định với nội dung “Cố ý gây thương tích”.

Địa điểm mới, đối tượng mới là động lực phát triển nhưng cũng chính là thách thức đối với các chiến sĩ vì yêu cầu đề ra cho từng hoạt động thật sự khó khăn hơn để đáp ứng mục tiêu bổ trợ các em học sinh những kiến thức thật hữu dụng và bổ ích. Trong buổi sáng hôm đó, tại sân trường, bài giảng dạy pháp luật với nội dung về “Bạo lực học đường kết hợp với an toàn giao thông” của Đội hình CLE - UEL đã chính thức được đem đến với các bạn học sinh khối 10 và 12 trường THPT Bình Sơn. Đặc biệt, nhằm giúp các bạn nắm bắt được rõ ràng các kiến thức được truyền tải qua bài chia sẻ, Đội hình CLE - UEL đã tiến hành hoạt động phát tờ rơi song song với bài giảng.

Vào buổi chiều cùng ngày, tuy thời tiết có khắc nghiệt song các chiến sĩ CLE - UEL đã cùng nhau nỗ lực hết sức với mong muốn có thể truyền đạt đến các em những kiến thức bổ ích và giúp các em có cái nhìn trực quan về một phiên tòa. Mặt khác, Đội hình còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các giáo viên trường THPT Bình Sơn trong tác chuẩn bị, triển khai để thực hiện phiên tòa giả định một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ đó mà Phiên tòa giả định về bạo lực học đường với nội dung “Cố ý gây thương tích” đã được diễn ra một cách trọn vẹn.

 

CHUYÊN MỤC GƯƠNG MẶT KHOA LUẬT

Chuyên mục Gương mặt Khoa Luật kỳ này, Ban biên tập xin được vinh danh 2 gương mặt sinh viên tiêu biểu. Đây là hai sinh viên có khóa luận tốt nghiệp được các thầy, cô trong Hội đồng đánh giá cao nhất trong đợt bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của khóa 12 vừa rồi, bao gồm: sinh viên Lăng Anh Ngọc Phụng và sinh viên Đinh Trịnh Thanh Tâm, cả hai đều là sinh viên của lớp K12504T.

Sinh viên Lăng Anh Ngọc Phụng thực hiện khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh với đề tài: “Law on supporting SMEs - Experiences from foreign countries and proposals for Vietnam” và được hội đồng đánh giá với số điểm 9,9/10.

Sinh viên Đinh Trịnh Thanh Tâm thực hiện khóa luận với đề tài: “Quản lý tập thể quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc - Thực trạng và hướng hoàn thiện” và được hội đồng đánh giá với số điểm 9.8/10.

Sau đây là một số chia sẻ quý báu về kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp để đạt kết quả tốt của hai gương mặt tiêu biểu khoa Luật kỳ này.

1. “Bốn chìa khóa cho một khóa luận tốt nghiệp thành công” – Đinh Trịnh Thanh Tâm

Đối với mỗi sinh viên, việc viết khóa luận tốt nghiệp luôn được đánh giá là thử thách quan trọng. Là một sinh viên đã từng viết khóa luận, tôi xin được chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân về việc làm sao để viết một bài khóa luận hiệu quả. Với bản thân, tôi nghĩ rằng có bốn vấn đề sau đây mà chúng ta nên chú ý khi bắt tay vào viết:

Thứ nhất, cách sắp xếp, phân bổ thời gian sao cho hợp lý nhất. Để thực hiện việc này, chúng ta nên chú ý đến kế hoạch triển khai của nhà trường để phân chia thời gian phù hợp từ việc tìm tài liệu tham khảo cho đến lên dàn ý và bắt tay vào viết đề tài khóa luận.

Thứ hai, chúng ta nên chủ động liên hệ với giảng viên hướng dẫn. Thầy cô sẽ hướng dẫn, góp ý, định hướng nghiên cứu, chia sẻ tài liệu tham khảo và qua đó giúp chúng ta hoàn thiện hơn khóa luận của mình. Đừng e ngại, các thầy cô luôn nhiệt tình giúp đỡ sinh viên.

Thứ ba, chúng ta nên chú ý đến phần tài liệu tham khảo. Để có thể viết khóa luận tốt, đòi hỏi chúng ta phải có tài liệu tham khảo chất lượng, cụ thể là: nguồn tài liệu đa dạng, phong phú và đáng tin cậy. Chúng ta nên ghi chú cẩn thận tài liệu tham khảo vì việc này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi trích dẫn và trích dẫn một cách chính xác, trung thực trong bài khóa luận.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó chính là hình thức trình bày. Hình thức một bài khóa luận sẽ thể hiện thái độ, mức độ chuyên nghiệp của tác giả và gây ấn tượng với thầy cô. Về phần này, mỗi trường sẽ có những yêu cầu riêng, vì thế chúng ta nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà trường để làm đúng. Đặc biệt, các bạn nên chú ý đến việc trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo, cách đặt ghi chú và chính tả trong bài khóa luận.

Trên đây là bốn chiếc chìa khóa vàng giúp tôi hoàn thành tốt bài khóa luận của mình. Hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các bạn viết tốt khóa luận tốt nghiệp. Chúc các bạn thành công và đạt được kết quả cao với đề tài nghiên cứu của mình!


2. “Tôi đã thực hiện một đề tài khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng anh như thế nào?” – Lăng Anh Ngọc Phụng

Thứ nhất, khi làm khóa luận bằng tiếng anh sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc tham khảo nguồn tài liệu. Ban đầu, mình bị loay hoay giữa việc chọn các nguồn tài liệu tham khảo bằng tiếng anh hay bằng tiếng việt. Và mình quyết định chọn tham khảo hầu hết các tài liệu bằng tiếng anh (một phần là do đề tài của mình về kinh nghiệm nước ngoài nên mình tìm hiểu trực tiếp văn bản pháp luật, các bài nghiên cứu,... của nước đó để nắm rõ vấn đề nhất có thể), những vấn đề nào khi mình đọc tiếng anh đọc mãi không hiểu mình sẽ bắt đầu tra cứu tham khảo các nguồn tài liệu bằng tiếng việt. Tuy nhiên có một số nội dung “rất Việt Nam” thì chỉ có thể tham khảo bằng tiếng việt và chuyển đổi ngôn từ văn phong sang tiếng anh. Do đó, khó khăn thứ hai và cũng là khó khăn lớn nhất đó chính là vốn từ vựng và cách diễn đạt (văn phong), mình phải lựa chọn và thống nhất được trong từng phần khóa luận: bố cục như thế nào, cách diễn đạt ra sao để vừa dễ hiểu vừa mang tính học thuật của 1 khóa luận tốt nghiệp. Khi làm khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng anh, cách trình bày và bố cục sẽ có một số khác biệt nhỏ, mình nên kết hợp những quy định của khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng việt và những phần bắt buộc phải có trong khóa luận tiếng anh để bài mình hoàn chỉnh hơn. Một kinh nghiệm nhỏ mình muốn chia sẻ đó chính là kỹ năng viết. Khi bắt đầu viết sẽ rất khó khăn (đôi lúc mệt mỏi), các bạn nên viết từng đoạn nhỏ từng đoạn nhỏ rồi liên kết lại với nhau, xong phần nào là dứt điểm phần đó, đừng trì hoãn hay bỏ dở bất kỳ một phần nhỏ nào, vì khi ngồi viết lại bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để kiếm từ vựng và viết thành câu gãy gọn (đây là một kinh nghiệm xương máu của mình!) Đừng ngần ngại, hãy làm khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng anh, bạn không những sẽ mở rộng kiến thức pháp lý về đề tài mình chọn mà còn sẽ trau dồi được rất nhiều kỹ năng ngoại ngữ. Chúc các bạn thành công!