Tọa đàm webinar “Đại dịch COVID-19: Tác động và các vấn đề pháp lý đặt ra với quan hệ lao động”

TOẠ ĐÀM WEBINAR “ĐẠI DỊCH COVID-19: TÁC ĐỘNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA VỚI QUAN HỆ LAO ĐỘNG”


Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về pháp luật lao động trên cả hai bình biện lập pháp và thực tiễn áp dụng, cụ thể về các vấn đề như an toàn lao động; quản lý lao động làm việc từ xa (remote working); các biện pháp ứng phó tạm thời của doanh nghiệp; cắt giảm nhân sự; thương lượng và đối thoại trong phòng chống dịch và đối phó với các khó khăn kinh tế do dịch gây ra… Trước những vấn đề trên, Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp cùng Mạng lưới Nghiên cứu Lao động Việt Nam (VLRN) tổ chức Toạ đàm Webinar “Đại dịch Covid-19: Tác động và các vấn đề pháp lý đặt ra với quan hệ lao động”  vào sáng ngày 27/5/2020, thông qua hệ thống Zoom của UEL.

Buổi Toạ đàm rất vinh dự có sự tham gia của PGS.TS Lê Thanh Sang – Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ; Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI TPHCM; Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai; TS.Huỳnh Thị Ngọc Tuyết - Điều phối Nhóm Nghiên cứu Lao động phía Nam; TS.Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động. Về phía Trường Đại học Kinh tế - Luật, có sự tham gia của PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - luật; PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các anh/chị luật sư, anh/chị làm công tác nhân sự ở các đơn vị liên quan lao động, giảng viên các trường đại học và sinh viên luật.

Mở đầu buổi Toạ đàm, PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật phát biểu khai mạc và nhấn mạnh rằng việc tổ chức Toạ đàm với chủ đề gắn với lao động là một trong những vấn đề đang rất được quan tâm. Tiếp nối chương trình, TS. Đoàn Thị Phương Diệp – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật có bài chia sẻ về “Cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19: các lựa chọn, hệ quả pháp lý và kháng nghị”. TS. Diệp đã nêu ra rất cụ thể các giải pháp chấm dứt hợp đồng lao động được quy định trong Bộ luật Lao động (chấm dứt vì lý do bất khả kháng, vì thay đổi cơ cấu và thoả thuận chấm dứt hợp đồng) và các hệ quả pháp lý tương ứng; đánh giá ưu và nhược điểm của từng giải pháp; những điểm không rõ ràng hoặc bất hợp lý để từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với việc hoàn thiện pháp luật lao động.

Tiếp theo chương trình, TS. Đỗ Hải Hà – Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; Đại học Oxford cũng có bài chia sẻ về “Đại dịch Covid-19: Cơ hội để nhìn lại khung pháp luật lao động”. TS. Hà đã điểm qua các tác động của đại dịch covid-19 lên quan hệ lao động trên nhiều bình diện khác nhau, chẳng hạn như: quản lý lao động; an toàn và vệ sinh lao động; tái cơ cấu nhân sự; điều chỉnh chính sách lương thưởng; thương lượng và đối thoại; và tranh chấp lao động và đình công.

Sau phần chia sẻ của hai diễn giả, các khách mời tham dự Toạ đàm đã có những chia sẻ, thảo luận hết sức sôi nổi xoay quanh các vấn đề mà hai diễn giả đặt ra. Bên cạnh đó, TS. Đỗ Quỳnh Chi cũng chia sẻ thêm các số liệu khảo sát thực tế liên quan đến việc cắt giảm nhân sự từ góc độ doanh nghiệp và người lao động.

Kết thuc buổi Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung đã gửi lời cảm ơn đến hai diễn giả, các vị khách mời. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nhung hy vọng những buổi Toạ đàm tiếp theo cũng sẽ tổ chức thành công và nội dung cũng gắn với các vấn đề mà xã hội quan tâm như Toạ đàm lần này.