[CLE - UEL] KỸ NĂNG TÌM KIẾM VÀ XỬ LÝ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU VỀ LUẬT

Bạn đã biết gì về “nguồn sơ cấp” và “nguồn thứ cấp”?

Có lẽ, đối với sinh viên ngành Luật, ít nhất một lần bạn đã nghe hay đọc đâu đó được hai khái niệm này. Tuy nhiên, để có thể tìm ra hai loại nguồn này một cách cụ thể và chi tiết, đồng thời áp dụng nó vào thực tế học tập thì không phải ai cũng làm được. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn trau dồi các kỹ năng cần thiết.

Nhận thức được tầm quan trọng ấy, ngày 17/11/2018 tại phòng A.609, Đội hình Tư vấn và Giảng dạy pháp luật cộng đồng CLE - UEL đã tổ chức một buổi chia sẻ về “kỹ năng tìm kiếm và xử lý tài liệu nghiên cứu về Luật” cho các thành viên. Buổi chia sẻ diễn ra trong không khí thân mật và hào hứng với sự tham gia từ Thầy Lê Nguyễn Nhật Minh - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Thầy Lê Hoài Nam - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, cùng với sự hiện diện của các cựu thành viên CLE khóa K15.

Mở đầu buổi chia sẻ, Thầy đã giải thích và so sánh rõ hơn về một số khái niệm như “Legal writing” và “Writing in legal field” cũng như “Legal research” và “Research in legal field”. Thông qua đó, giúp các thành viên có hình dung cụ thể hơn và phân biệt được cách dùng của các khái niệm này. Thầy chia sẻ rằng trong tìm kiếm, để đảm bảo lượng thông tin tìm kiếm được đầy đủ, chúng ta nên tìm cả tài liệu nguồn sơ cấp và nguồn thứ cấp. Bởi lẽ, hai nguồn tài liệu này là hai nguồn tài liệu cần thiết cho mọi đề tài nghiên cứu. Thầy cũng cung cấp một số loại tài liệu luật bổ ích như Từ điển chuyên ngành, giáo trình, textbook, các bài báo khoa học,...và cách để tìm kiếm các loại tài liệu này. Đây cũng là một vấn đề được rất nhiều bạn băn khoăn và quan tâm khi thực hiện nghiên cứu một đề tài nào đó. Vì vậy, ai cũng háo hức lắng nghe những kiến thức mới mẻ và thú vị này.

Hình 1

Vậy làm thế nào để việc tìm kiếm trở nên hiệu quả? Khi nhắc đến công cụ tìm kiếm, đa số chúng ta dùng hiện nay là “Google”. Hầu hết chúng ta ai cũng biết lợi ích từ công cụ này trong việc tìm kiếm thông tin, tuy nhiên, việc tìm kiếm sẽ thuận lợi hơn khi có thêm các công cụ tìm kiếm khác. Và một trong những công cụ thường được sử dụng để tìm kiếm học thuật đó là “Google Scholar”. Tìm kiếm thông tin bằng công cụ này, chúng ta có thể biết được thêm một số thông tin cần thiết từ tài liệu, các bài viết liên quan và hiển thị các tệp bài viết có thể tải xuống. Thầy chẳng những giới thiệu, hướng dẫn tận tình cho các thành viên mà còn đưa ra các đề tài ví dụ rất hay và dễ hiểu. Các thành viên đã có những giây phút thảo luận sôi nổi qua phần thực hành tìm kiếm tài liệu cho một đề tài bằng công cụ “Google Scholar” này.

Hình 2

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải thông tin nào chúng ta tìm được cũng có ích. Sau khi tìm kiếm thông tin chúng ta còn phải biết cách sử dụng các tài liệu đã tìm được sao cho hiệu quả. Muốn như vậy, Thầy luôn nhấn mạnh rằng là sinh viên Luật thì nhất định phải đọc nhiều và đọc một cách có chọn lọc. Chỉ có như thế mới biết được thông tin nào cần thiết phục vụ cho nghiên cứu của mình. Chẳng hạn như việc từng đọc một bài báo, sách, giáo trình là điều không còn gì xa lạ với sinh viên nhưng đọc làm sao, như thế nào để mang lại hiệu quả nhất thì đó mới là câu chuyện mà chúng ta cần lưu tâm. Vậy, đọc như thế nào là đúng cách? Đối với một quyển sách, chúng ta nên đọc trang bìa, phần dẫn nhập và mục lục trước tiên. Nghe có vẻ lạ so với cách đọc thông thường, nhưng đó mới là một cách đọc đúng. Nếu đọc như vậy sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về cuốn sách và tổng quan các phần nội dung. Như vậy, chúng ta sẽ dễ hiểu hơn khi đi vào nội dung cụ thể từng trang. Ngoài ra, Thầy còn hướng dẫn cách đọc các bài báo khoa học và các văn bản luật - những tài liệu luôn gắn với việc học tập hằng ngày của sinh viên.

Hình 3

Buổi chia sẻ đã khép lại và mang đến cho các thành viên CLE những kiến thức bổ ích, thiết thực về cách tìm kiếm và xử lý tài liệu Luật. Việc tìm kiếm tài liệu tưởng chừng như đơn giản với công cụ “Google”, nhưng hóa ra lại là một kỹ năng cần phải trau dồi thường xuyên. Qua phần chia sẻ của Thầy, chúng tôi đã biết thêm được những công cụ tìm kiếm hữu ích khác và có được định hướng khi tìm kiếm tài liệu sao cho tiết kiệm thời gian và hiệu quả nhất.

Cuối cùng, Đội hình Tư vấn và Giảng dạy pháp luật cộng đồng CLE - UEL xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thầy Lê Nguyễn Nhật Minh đã giúp cho các thành viên CLE có được những bài học kỹ năng thật quý báu.

Trân trọng,

CLE – UEL.